PHÒNG NGỪA LÂY NHIỄM SARS-CoV-2

Hiện nay, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2 đang diễn biến khó lường với số ca nhiễm không ngừng gia tăng trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhìn chung, các phác đồ điều trị đang tập trung vào việc giảm triệu chứng lâm sàng do virus gây nên. Mặc dù nhiều ca bệnh đã được chữa khỏi, số lượng ca bệnh tử vong vẫn không ngừng tăng lên nhanh chóng.

Hiện nay, nhiều nước đang nghiên cứu tìm ra vacxin và Nga là nước đầu tiên công bố đã thành công trong việc này.

Người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 với các triệu chứng điển hình như sốt, ho, đau họng, hắt hơi… có thể lây nhiễm sang người khác chủ yếu thông qua các giọt bắn từ đường hô hấp do tiếp xúc gần và qua khí dung. Ngoài ra, một số người nhiễm SARS-CoV-2 không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào cũng có thể truyền loại virus này cho người xung quanh theo cách thức nói trên.

Dựa trên những hiểu biết về khả năng lây lan của SARS-CoV-2, Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Bộ y tế Việt Nam đã khuyến cáo một số biện pháp quan trọng để phòng ngừa dịch bệnh lây lan từ người sang người:

  • 1- Đối với cơ sở y tế:
  • Cần xác định các trường hợp nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm càng nhanh càng tốt, tiến hành xét nghiệm và cách ly tất cả các trường hợp nói trên tại các cơ sở thích hợp;
  • Xác định và cách ly tất cả những người tiếp xúc gần với những người bị nhiễm bệnh và kiểm tra thường xuyên triệu chứng ban đầu và tiến triển của các triệu chứng đó;
  • Áp dụng các quy định chặt chẽ và biện pháp phòng ngừa tiếp xúc đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc và điều trị người bệnh; sử dụng các biện pháp phòng ngừa trong không khí khi thực hiện các quy trình điều trị với khí dung trong điều trị;
  • Nhân viên y tế cần được cung cấp và đảm bảo sử dụng khẩu trang y tế liên tục trong suốt quá trình làm việc và sinh hoạt tại nơi làm việc;
  • Đảm bảo quy trình rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách tối đa khi có thể, tránh tụ tập đông người, đặc biệt tại những nơi có không gian kín và hẹp,
  • Giữ gìn môi trường làm việc luôn sạch sẽ và thông thoáng, tiến hành khử trùng thường xuyên những nơi có nguy cơ cao.
  • 2- Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chủ động phòng bệnh:
  • Chấp hành nghiêm túc quy định giữ khoảng cách nơi công cộng, hạn chế tối đa việc tụ tập tiếp xúc đông người;
  • Tuân thủ tuyệt đối việc đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách tiếp xúc tốt nhất 2m;
  • Không đi du lịch tới những nơi có dịch bệnh;
  • Rửa tay bằng dung dịch xà phòng hoặc sát khuẩn tay thường xuyên;
  • Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn;
  • Thực hiện ăn chín uống sôi; giữ gìn vệ sinh nhà ở, nơi làm việc và các khu vực xung quanh;
  • Tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch thông qua việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng đặc biệt các loại rau, củ, quả giàu vitamin C và E, ngủ đủ giấc;
  • Duy trì tập luyện thể dục, thể thao hàng ngày giúp nâng cao sức khỏe;
  • Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hang ngày, giữ liên hệ với cơ sở y tế gần nhất, liên hệ ngay với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn, cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2: http://www.bluezone.gov.vn

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.who.int/news-room/commentaries/detail/transmission-of-sars-cov-2-implications-for-infection-prevention-precautions
  2. Srivastava N, Saxena SK. Prevention and Control Strategies for SARS-CoV-2 Infection. Coronavirus Disease 2019 (COVID-19). 2020;127-140. Published 2020 Apr 30. doi:10.1007/978-981-15-4814-7_11
  3. https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/bo-y-te-e-nghi-nguoi-dan-thuc-hien-tot-6-khuyen-cao-phong-chong-dich-covid-19

Tác giả : Phượng Lê

Related posts

Leave a Comment